“Why first” trong tư duy làm việc

Lúc bắt đầu đi làm, có không ít lần mình tự cảm thấy trống rỗng, vô định, không biết thời gian đang trôi qua để làm gì. Bao trùm lúc đó trong đầu nhiều suy nghĩ chán nản, lười đi làm, muốn thử cái này cái kia khác. Nhưng rồi mình may mắn được nghe bài TedTalk về “Start with why” - thứ đã thay đổi tư duy và thế giới quan của mình về cuộc sống, đặc biệt là trong hành trình đi làm Game Design của mình

Why first, How - What later

Trong bất cứ quyết định, hành động nào của con người đều tồn tại ba yếu tố Why, How, What. Trong đó

  • Why: tại sao tôi phải làm vậy, mục tiêu là gì, đức tin của tôi là gì?

  • How: cách thức để tôi thực hiện được những mục tiêu đó, tôi sẽ làm việc đó như thế nào

  • What: output thực tế mà tôi làm ra được

Lấy ví dụ cụ thể trên iPhone của Apple - thứ được xem như cách mạng công nghệ ở thời điểm nó ra mắt, ta có

WhatHowWhy
1 chiếc smartphone có thương hiệu Apple- Thiết kế đẹp mắt

- Hiệu năng cao
- UI/UX thân thiện | - Apple thách thức và muốn thay đổi những giới hạn hiện nay trong cuộc sống
- Apple tin và muốn làm những điều khác biệt |

Đa số mọi người khi bắt đầu trình bày một vấn đề thường sẽ có xu hướng bắt đầu với What-How. Khi nhận task hoặc assign task cho người khác, ta cũng hay bắt đầu với những kiểu tiếp cận như

  • Task này là gì?

  • Task này làm như thế nào?

  • Task này khó hay dễ, mình có làm được không?

Nhưng thử đặt ngược lại vấn đề, tại sao chúng ta không tự hỏi bản thân ngay trước khi bắt đầu một công việc gì đó rằng: “Tại sao mình cần làm những task này? Mục tiêu của những việc cần làm này là gì?”

Não bộ của con người được thiết kế để ra quyết định bằng cảm giác nhiều hơn. Vì vậy, con người sẽ làm việc tốt hơn, vượt qua nhiều khó khăn hơn khi họ hiểu và tin vào cái mà bản thân đang làm. Bằng cách tiếp cận ngược lại từ WHY trước trong mọi việc thì cách tìm ra HOW hay WHAT cũng sẽ trở nên dễ dàng và đáng làm hơn trước rất nhiều . Có một câu nói mà mình rất tâm đắc trong bài của Simon Sinek

People don’t buy what you do, they buy why you do it. And what you do simply proves what you believe

Hiểu và lan tỏa được cái WHY ở trong mọi thứ chính là cách để bản thân và những người xung quanh có thể cùng hiểu được giá trị của bản thân, công việc và đức tin mình theo đuổi. Đó chính là cái hấp dẫn nhất có thể tác động lên làm nhiều cá thể riêng biệt cùng hướng về một cái đích chung. Như cái cách mà Apple đã bán niềm tin về “sự khác biệt thay đổi vượt qua mọi giới hạn hiện tại” cho hàng tỉ user toàn thế giới, trong hình hài của chiếc iPhone.

Tư duy "Why first" trong Game Design

Khi bắt đầu thiết kế bất kể đó là toàn bộ con game hay chỉ một tính năng nhỏ, câu hỏi đầu tiên với Game Design luôn nên là câu hỏi "Tại sao?"

  • Tại sao người chơi muốn chơi game này

  • Tại sao họ sẽ quay lại

  • Tại sao nó đáng để phát triển

  • Tại sao game tôi lại cần thêm tính năng này

Việc đặt câu hỏi "Why" ngay từ đầu giúp bạn xác định được mục tiêu cốt lõi của game, tránh lạc lối trong quá trình thiết kế. Thay vì chỉ tập trung vào việc "game sẽ có những tính năng gì" (What) hay "cách thực hiện nó ra sao" (How), tư duy "Why first" giúp bạn nhìn sâu hơn vào trải nghiệm mà bạn muốn tạo ra và lý do game của bạn thực sự ý nghĩa với người chơi. Nói cách khác “Why first” trong game design chính là xác định rõ ràng MỤC TIÊU THIẾT KẾ ngay từ đầu trước, rồi tìm cách thỏa mãn mục tiêu đó bằng thiết kế của mình. Đây cũng là lý do mà trong bất kể Game Design Document nào mình viết, phần Mục tiêu thiết kế cũng xuất hiện từ đầu

Tổng kết

Tư duy “Why first” là cách để mình luôn luôn tìm thấy động lực để làm bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Hiểu rõ bản thân, hiểu rõ mục tiêu và đức tin mình đang theo đuổi chính là cách để luôn luôn tiến về phía trước. Hơn thế nữa, đây cũng là cách để tìm và kết nối được với những người đồng đội kề vai sát cánh cùng mình nếu cùng chia sẻ chung lý tưởng, chia sẻ chung cái WHY mà mình cũng đang đi tìm. Đó cũng là lý do mình bắt đầu thích viết và chia sẻ về game và nghề game designer. Mình cũng đang tiếp tục đi trên cái WHY mà mình tin vào 🚶🏻‍♂️